Lúc bạn mới đi làm, xin vào công ty làm vị trí chăm sóc khách hàng, ví dụ vậy, bạn học ngành quản trị kinh doanh nên cái gì cũng biết mà không biết cái gì. Học ở ghế nhà trường là một chuyện còn công việc thực tế là một chuyện khác. Ngay từ những ngày đầu bạn đi làm, bạn không định hình được mình sẽ làm việc gì vì bạn nghĩ đi làm rồi từ từ sẽ biết. Cũng đúng một phần. Bạn mới ra trường nên các công ty sẽ cho bạn thực tập hoặc làm thử một vị trí nào đó không quan trọng lắm với mức lương thấp. Qua thời gian, bạn tích lũy được một số kinh nghiệm ở công ty cũ và rồi cứ thể bạn cho rằng mình đã có chuyên môn công việc mình làm rồi. Bạn đi xin việc cũng ở vị trí ở công ty khác với hy vọng có lương cao hơn chỗ cũ. Nhiều bạn sinh viên, ngày xưa, và bây giờ vẫn nghĩ rằng cứ học đại học ra trường là có việc làm vì có bằng cấp. Cũng rất nhiều trường hợp không có việc làm dù có bằng đại học. Một số còn lại, đa phần cũng chỉ dừng lại ở những công việc với vị trí bình thường và mức lương vừa đủ sống. Song song, cũng có rất nhiều người cũng chỉ học như vậy, lấy được bằng cấp như vậy nhưng lại phát triển sự nghiệp một cách nhanh, vững vàng với thu nhập cao gấp nhiều lần so với một người bình thường. Tại sao? Nhiều bạn có quan điểm rằng đó là do ‘’may mắn’’, ”số phần” trong khi thực tế theo nghiên cứu thì mọi thứ đều hợp lý và có lý do của nó. Không có chuyện ‘’định mệnh hay may mắn’’ mà chỉ có việc đúng thời, đúng lúc, đúng cơ hội và kèm theo sự hiểu biết và hành động để đạt được thành tựu.
Các nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng người thành đạt hay thành công, đa phần, chiếm đa phần, không phải là những người có nhiều bằng cấp mà tất cả họ đều là những người ”có nhiều kiến thức”. Kiến thức và bằng cấp là hai việc hoàn toàn khác nhau. Bạn không có đủ kiến thức để làm một công việc chuyên môn khi mới ra trường vì tất cả những gì bạn học được là kiến thức tổng quát, rất bao la mênh mông trong khi công việc bạn làm, dù bất cứ lĩnh vực gì, đòi hỏi bạn phải có kiến thức chuyên sâu và hiểu biết rất rộng trong lĩnh vực đó. Có một số câu hỏi đơn giản nhưng rất thực tế mà mỗi chúng ta phải thành thật trả lời:
Bạn hy vọng rằng bạn có một việc làm rồi từ đó công ty thuê bạn sẽ chỉ dẫn cách thức làm ? Công ty thuê bạn để làm chứ không phải thuê bạn về để đào tạo miễn phí cho bạn và song song đó còn trả lương cho bạn.
Bạn làm công việc cứ như vậy, cùng một cách cũ, cùng một kiến thức cũ, kiến thức giới hạn mà bạn đã có, nhưng lại hy vọng có kết quả tốt hơn, có thu nhập cao hơn? (Do the same thing over and over again but expect different result? )
Bạn muốn làm quản lý , lãnh đạo nhưng bạn có kiến thức về quản lý và lãnh đạo là như thế nào hay chỉ hy vọng được công ty bạn cho bạn một chức danh rồi mọi thứ sẽ ổn ?
Bạn muốn khởi nghiệp, tự vận hành công ty riêng mình nhưng bạn có biết một công ty, một doanh nghiệp bao gồm bao nhiêu thứ cần phải biết để có đủ kiến thức để vận hành hay chỉ xin giấy phép công ty, mở một trang fanpage trên facebook là đủ?
Những người thành công luôn đi tìm kiến thức mới để họ học, để tăng sự hiểu biết về tri thức và tăng EQ (chỉ số cảm xúc) của họ. Kiến thức thực tế là kiến thức trực tiếp phục vụ công việc bạn làm công việc hàng ngày, dù bất cứ ngành nào, lĩnh vực nào. Kiến thức bổ trợ là kiến thức mang tính rộng hơn để hỗ trợ cho kho tàng tri thức của bạn, phục vụ bạn trong lúc cần thiết trong cuộc sống và trong công việc. Ví dụ, bạn làm sales, nếu bạn không có kiến thức sâu rộng thì việc bạn bán hàng chỉ dừng lại ở việc bạn học thuộc lòng ‘’bảng mô tả sản phẩm’’ và cứ đọc đi đọc lại những đoạn hội thoại đã được công ty bạn viết ra trước. Nếu bạn là người bán hàng trực tiếp, sales, thì bạn phải biết sales là cái gì, sales chuyên nghiệp là như thế nào, tâm lý khách hàng, quy trình sales, quy cách chốt hợp đồng v.v. chứ không phải chỉ việc biết gọi điện thoại và hỏi ‘’em từ công ty A, bên em có sản phẩm này rất hay, anh có nhu cầu không…?’’ Như vậy là thực chất bạn chưa biết gì về sales nhưng bạn lại đi làm sales. Vậy thì, bạn có thể lấy kiến thức ở đâu ra? Câu hỏi đúng nên hỏi là bạn có muốn đánh đổi một phần thời gian ‘’sung sướng’’ của mình để đổi lấy một phần kiến thức hàng ngày? Bạn có muốn đánh đổi những thời gian ngồi cầm điện thoại chit chat, lướt facebook mạng xã hội để đổi lại một phần kiến thức mỗi ngày? Bạn có đủ nghiêm túc và kỷ luật bản thân đủ để trau dồi và phát triển bản thân mỗi ngày ? Nếu câu trả lời là ‘’có” thì bạn sẽ lấy kiến thức từ những nguồn nào ?
Kiến thức luôn luôn ở mọi lúc mọi nơi, từ những người bạn gặp hàng ngày họ luôn có cái gì đó để bạn học hỏi. Kiến thức ở thời đại hiện tại sẵn sàng ngay trên chiếc điện thoại bạn đang cầm, vấn đề là bạn muốn thay đổi phát triển bản thân hay không mà thôi. Trong tất cả các nguồn kiến thức thì nguồn từ sách là hữu hiệu nhất. Tại sao? Các khóa học thêm ngắn hạn cũng hiệu quả nhưng đòi hỏi bạn phải tuân thủ thời gian để đến lớp, bạn không chủ động được hết hoàn toàn thời gian. Các bài thuyết trình trên Youtube không đủ để bạn tập trung vào một lĩnh vực chuyên sâu vì nó mang tính ‘’miễn phí’’ nên không đầy đủ. Học trực tiếp từ những người đi trước, những mentor (người hướng dẫn/huấn luyện), những người có kinh nghiệm thực tế: không phải ai cũng rảnh để cho bạn thời gian quý giá của họ để chia sẻ và hướng dẫn cho bạn. Sách: sách có các loại phổ biến mà bạn dễ đọc như: Tự truyện: kể lại quá trình cuộc đời, trải nghiệm của tác giả. Nghiên cứu: khảo sát thực tế, phân tích và đúc kết. Hướng dẫn: liệt kê chi tiết thực tế cách làm từng bước cho một công việc, một kỹ năng. Nhật ký: viết lại hành trình, trải nghiệm của một người đã đi qua. Kể chuyện (phóng tác): dựa trên một nhân vật tự tạo của tác giả/hoặc một nhân vật khác và kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm của tác giả để đúc kết ra những triết lý, bài học đáng quý. Sách luôn hiệu quả hơn những nguồn kiến thức khác vì khi viết sách tác giả, người truyền lại kiến thức kinh nghiệm cho bạn đã đúc kết, sàng lọc rất kỹ những gì họ muốn truyền tải, vì thế nội dung trong sách thường là chính xác hơn, xúc tích hơn, cô đọng hơn và dễ hiểu hơn. Một số loại sách khi bạn đọc hay khi nghe bạn có thể cảm nhận được nhiệt huyết, suy nghĩ, cảm xúc của tác giả trong những gì họ viết. ‘’Khoan đã! Nhưng mà tôi không có thời gian để đọc sách, tôi bận suốt ngày và khi về đến nhà là không còn sức đâu nữa để làm gì hết và chỉ muốn thư giãn.’’ Nếu bạn ‘’biện hộ’’ đến mức vậy thì tôi có cách cuối cùng này cho bạn. Sách nói, hay gọi là ‘’audio book’’, sách nói. Audio book có nhiều lợi thế giải quyết những vấn đề cho những ai ‘’không có thời gian đọc sách’’ ‘’ hay tôi lười đọc sách’’ hay ‘’tôi cầm sách là buồn ngủ…’’vậy thì hãy để người khác đọc sách dùm bạn. Audio book tiếng Việt có nhiều loại, tiếng anh cũng vậy. Gần đây Fonos là phiên bản sách nói tiếng Việt khá hay và bài bản vì cách làm khá chuyên nghiệp như Audible của Amazon. Sách nói cho phép bạn vừa đi vệ sinh cũng vừa có thể bổ sung kiến thức, vừa chạy xe đi làm cũng vừa có thể bổ sung thêm kiến thức, vừa tập thể dục, chạy bộ, nấu cơm, giặt đồ, làm vườn, cho con bú, quét rác, dọn nhà v.v. đều vừa có thể học thêm kiến thức. Đặc biệt, trước khi đi ngủ, nếu bạn nghe sách nói, những kiến thức, thông tin hữu ích được dung nạp vào não của bạn trước khi đi ngủ là cực kỳ quan trọng. Những thông tin kiến thức trước khi đi ngủ được nạp vào bộ nhớ sẽ đi vào tiềm thức nhanh hơn nhiều lần so với thời gian khác trong ngày và những tiềm thức này sẽ định hình lại bộ não của bạn trong lúc ngủ và từ đó cũng thay đổi cuộc đời bạn, nếu nó được làm theo hướng tích cực. Nếu không có thời gian đọc sách thì ít ra mỗi ngày bạn đều có thể nghe sách nói 30 phút trong lúc đang nằm ngủ và 30 phút trong lúc đang chạy bộ, tức là một ngày bạn đã có 60 phút dung nạp kiến thức vào bộ não của mình. Tốc độ nghe của bạn nhanh gấp 2 lần so với tốc độ bạn đọc và như vậy nếu 60 phút mỗi ngày thì chỉ cần 2 tuần là bạn đã xong một quyển sách, một tháng 4 quyển sách và 1 năm là 48 quyển sách. Hãy tưởng tượng kiến thức chuyên môn của bạn sẽ tăng lên gấp bao nhiêu lần sau khi hết 48 quyển sách và so sánh với những ai không đọc/không nghe thì sao? Bạn sẽ hoàn toàn khác họ ở mọi lĩnh vực trong công việc cũng như trong cuộc sống. Bạn hãy tưởng tượng nếu bạn muốn khởi nghiệp và có bao nhiêu kiến thức bạn cần phải học? Tài chính kế toán, nhân sự, bán hàng, luật, sản phẩm, quảng cáo, tiếp thị, thương hiệu, quản lý, lãnh đạo v.v. bạn chỉ cần 60 phút mỗi ngày để nghe sách nói hay đọc sách thì sau một năm tôi chắc chắn bạn sẽ có đủ kiến thức cơ bản để bắt đầu khởi nghiệp một cách vững chắc chứ không phải theo kiểu ‘’khởi đi rồi mang nghiệp’’.
Sách chỉ là lý thuyết?
Nếu bạn nói sách chỉ có lý thuyết thì đó cũng là thêm một ‘’biện hộ’’ khác để bạn không đọc sách. Không có chuyện gọi là lý thuyết mà vì bản chất lý thuyết là gì? Để viết lại một câu chuyện, một kinh nghiệm, một trải nghiệm thì những thông tin trong sách đó đã được tác giả hay một người nào ‘’thực hành dùm bạn’’ và họ ‘’đã sống qua những kinh nghiệm đó. Ngay cả một sáng tác văn học cũng dựa vào tri thức và sự tưởng tượng phong phú của tác giả kèm theo những thông điệp có giá trị để người đọc/người nghe chiêm nghiệm. Những cuốn sách chúng ta học thời phổ thông như toán, lý, hóa, sinh v.v. đều là khoa học có chứng minh qua thời gian. Nếu không có những kiến thức cơ bản đó thì chúng ta không thể áp dụng vào đời sống thực tế. Vì vậy, không có chuyện gọi là lý thuyết mà chỉ có kinh nghiệm, trải nghiệm, thử nghiệm, nghiên cứu hoặc sáng tạo trong những quyển sách. Có những quyển sách là tâm quyết của cả một đời người muốn truyền lại cho thế hệ mai sau những trăn trở, những niềm vui, nỗi buồn, những kinh nghiệm sống. Nó quý biết chừng nào khi trải nghiệm của cả một đời người 60-80 năm đang nằm trong tay bạn để bạn học hỏi và chiêm nghiệm cho bản thân mình. Tôi cho rằng không có tiền nào mua được những kinh nghiệm và trải nghiệm cũng như những bài học của những người đi trước.