Chú bảo vệ đã gần 70 tuổi, đứng gác cổng ở một dự án bất động sản hạng sang. Chú ấy từng là người lính giải phóng nhưng giờ chú ấy phải làm việc này để sống qua ngày.
Mỗi khi có xe ô tô chạy ngang qua, dù xe không dừng cũng không biết trên xe có ai, chú ấy liền vứt điếu thuốc, đứng dậy, nghiêm và chào theo cách của một người lính chào thủ trưởng. Cứ thế chú bảo vệ cứ chào hết lượt xe này đến lượt xe khác. Lương chỉ vài triệu một tháng, mỗi ngày trung bình làm 12 tiếng và còn phải hạ mình đứng cúi chào những chiếc xe vô danh đi qua cổng. Có lẽ công ty bắt buộc phải làm việc này như là một điều kiện để được nhận lương.
Cúi chào thể hiện sự tôn trọng hoặc kính trọng của người này đối với người kia. Có người không cần là người có giá trị để được tôn trọng. Họ chỉ cần có tiền hoặc có quyền. Họ chỉ cần chi nhiều tiền để đi máy bay hạng thương gia, chỉ cần vào nhà hàng thật sang trọng, chi nhiều tiền cho bộ đồ bóng bẩy và chạy chiếc xe nhiều tỷ đồng là được nhân viên tôn trọng và đối đãi kiểu khác. Giá trị con người lúc này được đo bằng tiền, sự tôn trọng và kính trọng được mua bằng tiền hoặc bằng quyền lực. Hơn mười năm trước, tôi từng là một trong những người đó.
Được tôn trọng, được sùng bái là một trong những thức ăn nhanh (fast food) để nuôi lớn cái tôi, cái bản ngã của con người. Cũng vì món thức ăn này mà làm cho họ mãi khổ trong cái vòng luẩn quẩn. Cái khổ hơn nữa là ‘’họ không biết cái gì làm họ khổ’’. Muốn được tôn trọng thì phải có danh, có tiền, có quyền. Khi hết tiền, hết quyền thì không còn danh cũng không còn được tôn trọng. Mục đích sống như vậy thì dường như sống không phải để được hạnh phúc mà sống là để làm đầy tớ, làm nô lệ cho cái tôi, cái bản ngã của chính bản thân mình. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng mình không khá giả, không nhiều tiền, không có danh phận nên mình đang khổ hơn những người có nhiều tiền ấy thì… bạn nên suy nghĩ lại.
‘’Đừng cố gắng trở thành người thành công (nhiều tiền, nhiều quyền) để mua sự tôn trọng mà hãy cố gắng làm người có giá trị để được nhiều người kính trọng.’’