Lời nói có một sức mạnh rất lớn. Cũng một lời nói mà nó có thể mang lại niềm vui cho người khác một ngày, hoặc ngược lại. Cũng một lời nói mà nó có thể thay đổi cả cuộc đời của một người. Cũng một lời nói mà có khi nó gây ra bao nhiêu tang thương mất mát. Cũng một lời nói mà có khi nó gây cả chiến tranh giữa hai dân tộc.
Năm tôi học lớp 9, có một ông tây, người tôi gặp trên phà Cần Thơ và tập luyện nói tiếng Anh, ông ấy nói ”It is rare to see such a boy like you in Vietnam. Keep learning. You will have a good future.” Tạm dịch: ‘Hiếm thấy cậu nhóc nào như con ở Việt Nam…hãy tiếp tục học…con sẽ có một tương lai tốt…’. Câu nói đó nó rất bình thường đối với ông ấy nhưng nó đã cho tôi một ước mơ, một hoài bảo, một hy vọng để thay đổi cuộc đời mình. Ngược lại, vào năm tôi học lớp 12, ông thầy giám thị ở hàng xóm ghé chợ (trong khi mẹ tôi đang bán tàu hủ) và nói với mẹ tôi ‘….thằng Tỉnh chắc không thi đậu đại học được đâu chị, nhiều môn nó học yếu lắm…’ Câu nói tưởng chừng vô hại đó đã làm cho Ba Mẹ tôi hoang mang, lo lắng một thời gian dài, làm cho họ mất đi niềm tin vào tương lai con cái, làm cho tôi mất đi ý chí để học thêm và chỉ muốn bỏ học để đi kiếm việc làm…
Những câu chuyện tương tự ngoài đường hay trong nhà nếu mình quan sát mình sẽ thấy hậu quả nghiêm trọng của một lời nói. Vợ chồng chia tay nhau, gia đình tan nát, anh em, hàng xóm chém giết nhau cũng vì một lời nói. Ngoài đường, chỉ va chạm xe với nhau một chút mà hai người đánh nhau, giết nhau cũng vì một lời nói.
Vì thế trước khi mình nói một lời nào, lời nói của mình cần qua ba cổng:
Cổng 1: Lời nói đó có chân thành, tức nó có chân chính và thành thật hay không.
Cổng 2: Lời nói đó có cần thiết, tức nói để làm gì, nó có ích gì cho mình hoặc có ích cho người nghe hay không.
Cổng 3: Lời nói đó có tốt, tức nó có tốt cho mình và có tốt cho người nghe hay không.
Ấy là lời nói của những bật vĩ nhân. Là người bình thường, mình chỉ cần tập cho lời nói của mình qua một cổng là đã quá đủ.
Lời nói đó có chân thành:
Nếu mình nói lời chân thành tức mình không nói dối, không nói thêm nói bớt, không nói sai sự thật. Nếu là lời nói chân thành thì không thể nào là lời nói xấu. Ví dụ như mình chê trách bạn mình nhưng mình chân thành góp ý thì không thể nào là xấu. ‘Tao thấy mày cứ chửi thề trong khi nói chuyện, mày nên sửa lại từ từ nhe, vì con mày nó nghe nó bắt chước không tốt’. Lời nói chân thành có khi nó sẽ gây mất lòng người khác. ‘Mất lòng trước, đặng lòng sau’. Nó có thể gây mất lòng một thời gian ngắn nhưng về sau nó luôn tốt. Vì thế lời nói chân thành luôn luôn tốt.
Lời nói đó có cần thiết:
Cần thiết tức là nó có cần thiết cho người nói và cần thiết cho người nghe.
Cần thiết cho người nói:
Người nói cần gì. Người nói chắc chắc không cần người khác ghét mình. Người nói chắc chắn không cần người khác khi dễ mình, phê phán mình. Người nói chắc chắn không muốn người khác chửi mình, sỉ nhục mình, coi thường mình. Người nói cần nói lên một ý nào đó để phục vụ một mục đích trong khi nói. Mà nếu là phục vụ một mục đích gì đó thì nó phải là mục đích tốt vì đâu có ai muốn nói ra để phục vụ một mục đích xấu. Mục đích tốt thì không thể nào phục vụ cho cái bản ngã của mình mà là để chia sẻ, để góp ý, để động viên, để khen ngợi, để giúp đỡ hoặc ít nhất là để thể hiện ý muốn gì đó của người nói. Vì vậy bản chất của người nói không ai muốn nói lời nói xấu, chẳng qua là họ chưa kịp suy nghĩ họ cần nói gì cho tốt, để rồi họ lỡ lời nói ra những lời mà họ không nhận thức kịp là họ đã nói gì, nên vô tình lời nói đó… nó không tốt. Lời nói mà nó không tốt thì đâu có ai cần, nên lời nói đó là lời nói không cần thiết.
Cần thiết cho người nghe:
Người nghe cũng không ai cần hay muốn nghe những lời chỉ trích, phê phán, chê bai, sỉ nhục, lăng mạ mà họ cần nghe lời khuyên, họ cần nghe lời hay ý đẹp, họ cần nghe lời hướng dẫn, họ cần nghe những lời động viên an ủi, khuyên răng chứ đâu có ai muốn mình nghe những lời cay nghiệt.
Vì thế, khi nói, mình suy xét mình cần gì trong lời nói này và người nghe họ cần gì trong lời nói của mình, rồi hãy nói. Cái mình không cần, không muốn nghe thì chắc chắn người khác cũng không cần, cũng không muốn nghe. Mình đâu có muốn ai nói xấu mình, mình đâu có muốn ai chỉ trích, sỉ nhục lăng mạ hay chửi bới mình, nên mình cũng không nên nói những lời ấy cho người khác nghe.
Lời nói đó có tốt:
Lời nói tốt là lời nói không xấu. Tốt tức là nó có lợi ích tích cực, có hiệu quả tích cực, hữu ích cho người nói và hữu ích người nghe. Khi mình phân tích lời nói của mình qua được cổng 1 và cổng 2 thì mặc nhiên lời nói mình lúc nào cũng tốt, vì lời nói chân thành và lời nói cần thiết thì không thể nào là lời nói xấu. Thấy vậy thì cổng thứ ba của lời nói đôi khi không cần thiết.
Mình làm người bình thường thì mình chỉ cần lời nói của mình đi qua một cổng, trước khi thốt ra lời, đã là quá đủ.
Lời nói xuất phát từ suy nghĩ. Suy nghĩ, lời nói và hành động đi theo như một chuỗi mắt xích không thể tách rời. Suy nghĩ tốt, lời nói sẽ tốt. Lời nói tốt thì hành động sẽ tốt. Hành động hàng ngày hình thành nên thói quen. Thói quen quyết định nhân cách của một con người.
Gốc rễ của lời nói tốt hay xấu là do tư duy, suy nghĩ của mình. Vì vậy, mình cần tập cho tâm mình được tĩnh lặng để chiêm nghiệm lại những gì mình đã nói. Dần dần rồi mình sẽ quen. Dần dần rồi mình sẽ tốt. Mình không cần tốt hơn ai cả. Mình chỉ cần tốt hơn bản thân mình của ngày hôm qua, và cứ thế là mỗi ngày ta đều tốt hơn một chút. Qua nhiều ngày, nhiều tháng thì cái tốt hơn ‘’một chút’’ đó nó sẽ rất lớn. Ngược lại, nếu mỗi ngày xấu thêm một chút thì sau vài năm cái xấu đó sẽ thật khôn lường….