Một người đàn ông trung niên tầm 50 tuổi, ngồi lề đường ăn xin nhưng ghi tấm bảng kỳ cục: “Tạm xin, sống qua nghịch cảnh, sẽ trả lại gấp nhiều lần”. Thấy tấm biển như vậy, nhiều người nghi ngờ nên có rất ít người cho.
Có người đàn ông chừng 60 tuổi dừng lại hỏi chuyện, hỏi xong ông ấy cho lão ăn xin 5 triệu đồng. Người ăn xin ghi vài chữ trong một mảnh giấy, giống như giấy mượn nợ vậy, đưa người đàn ông giữ.
Thời gian lâu sau, ở một quán cà phê nhỏ lề đường, tại bàn quầy tính tiền là một anh thanh niên chừng 25 tuổi. Chàng thanh niên vừa tính tiền cà phê cho một ông già, vừa khóc. Ông già hỏi thì biết mẹ cậu này mới phát hiện bị bệnh ung thư nhưng nhà nghèo quá không có tiền, không biết làm sao. Ông lão nhìn quanh quán cà phê một lượt, và bắt gặp trong đống đồ hỗn độn ở tủ kính có một mảnh giấy đã ố vàng, trên mảnh giấy có ghi mấy chữ: “Tôi hứa sẽ đền đáp ơn ông”, phía dưới mảnh giấy viết thêm một số điện thoại kèm dòng chữ: “Người đã từng được ông giúp đỡ”.
Ông ấy bảo chàng thanh niên cho xem mảnh giấy và hỏi: “Mảnh giấy này của ai?’’.
Chàng trai đáp: “Con không biết. Ba con để trong đó, nhưng ba con mất rồi.”
Ông lão bảo cậu thanh niên ra bàn ngồi, rồi bắt đầu kể lại cho chàng thanh niên một câu chuyện: “Ngày xưa có một doanh nhân làm ăn thất bại, bị bạn bè lừa gạt nên mất hết công ty, mất hết nhà cửa. Có một thời gian ông ấy đành phải lang thang ngoài đường và xin tiền của bá tánh để sống qua ngày. Những ân nhân ngày trước đã giúp đỡ ông, ông ấy hứa sẽ đền ơn cho họ. Giờ thì ông ấy có rất nhiều tiền nhưng khổ là không biết những ân nhân đó bây giờ ở đâu. Nếu con tìm được giúp ông ấy, ông ấy sẽ trả lương rất cao cho con”
Chàng trai đáp: “Dạ dạ, con nhận lời, bác giới thiệu giúp con”.
“Bây giờ con lấy máy gọi thử số ghi trên mảnh giấy của ba con thử xem”, ông lão nói.
Chàng trai gọi… và ngạc nhiên khi ông lão lấy điện thoại ra và bảo: “Con tìm được ân nhân đầu tiên cho ông ấy rồi”.
Ông lão đang đứng trước mặt cậu chính là người ăn xin ngày xưa. Ba cậu thanh niên này là người đã cho ông ấy 5 triệu đồng lúc trước. Để đền đáp cái ơn của ân nhân, ông ấy bảo hai mẹ con chàng thanh niên dọn về biệt thự ông ấy sống, chữa bệnh cho người mẹ và cho tiền để chàng thanh niên tiếp tục việc học còn dang dở. Ông ấy xem cậu này như con trai và người mẹ bệnh kia như là người chị ruột của mình.
Câu chuyện phóng tác này dựa trên sự kiện có thật, dù nó không thật hoàn toàn khi được đưa vào câu chuyện, nhưng nó đáng để chúng ta nhìn nhận về cuộc đời, về nhân nghĩa, về lòng trắc ẩn, về nhân quả ở đời. Mình cho đi, giúp ai đi nữa thì không thể mong cầu người đó sẽ trả ơn cho mình, nhưng quy luật của Nhân-Quả luôn vận hành tuần hoàn, trước sau quả cũng sẽ đến, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Thế nên giúp được thì ta cứ giúp, cho được thì ta cứ cho, tha được thì ta cứ tha. Từ bi là vô ngã, không chấp trước, không hẹp hòi, không toán tính hơn thua.
Thương người và giúp kẻ khó là bác ái, cho đi là gieo hạt giống thiện lành, hạt giống này sẽ nảy mầm, đơm hoa, kết trái.
Phước đức không thể có do mong cầu mà do hành động. Nhân là hạt do mình gieo, phước đức là trái mà mình sẽ gặt hái.