Khi gãy tay, gãy chân hay bị những căn bệnh nan y hành hạ thì nỗi đau của thể xác là một quá trình sinh-lý thực tế không ai tránh khỏi. Con người khi còn nhận thức thì còn phải chịu đựng nỗi đau của thể xác.
Trong quá trình chịu đau này, cái khổ phát sinh. Khi không chấp nhận, cố gắng cưỡng lại cái đau, và tự thêu dệt nên những câu chuyện bên lề cái đau như: “Sao tôi khổ thế này, cuộc đời thật bất công, tôi đã làm gì nên tội để chịu đựng thế này’’, hoặc oán trách, thù hận những ai đã gây ra cho mình nỗi đau đó thì cái khổ được sinh ra. Lúc này, con người không chỉ đau thể xác mà còn rất khổ trong tâm thức, hai cái kết hợp lại thành “đau khổ’’.
Đau của cơ thể là một quá trình không thể tránh, nhưng khổ là một lựa chọn do mình tự chọn. Vì khổ xuất phát từ chính cái tâm của mình.
Nói thì dễ, thực hành mới khó. Khi con người rơi vào hoàn cảnh mất mát lớn lao, hoặc rơi vào trạng thái bị đau đớn tột cùng của thể xác thì tâm sẽ bấn loạn. Trong lúc đó, tâm bị các nỗi đau, mất mát (cảm xúc và cảm giác) chiếm lấy toàn bộ sự nhận thức ở thực tại. Tất cả những gì con người làm trong lúc ấy chỉ là những chuỗi phản ứng của cơ thể và những chuỗi phản ứng thói quen của cảm xúc.
Để qua được những giai đoạn ấy chúng ta cần tập luyện. Học và biết thôi thì chưa đủ và không hữu ích gì nếu ta không thực hành tập luyện mỗi ngày.
Trước tiên ta cần học để biết được bản chất của cái đau, biết được bản chất của sự mất mát (Hiểu biết). Sau đó, ta cần học để nhận biết khi nó xuất hiện trong tâm thức (Nhận thức). Tiếp đến, ta học cách chấp nhận vì càng không chấp nhận thì càng đau (Chấp nhận). Cuối cùng, ta cần học để cho những cái đau đó đi xuyên qua, thẩm thấu trong nhận thức ở thực tại (Buông).
Trong quá trình thực hành Mindfulness (nhận biết cảm xúc, cảm giác, suy nghĩ, hành động ở thực tại) tôi đã được trải nghiệm qua những khoảnh khắc này. Lúc bị nhiễm Covid là lúc đó trải nghiệm của tôi rõ ràng nhất. Trong khi thiền, tôi cảm nhận được rất rõ sự nặng nhọc của từng hơi thở, cảm nhận rõ đến mức gần như tôi đếm được nhịp tim của mình đang đập bao nhiêu bpm. Tôi chỉ cảm nhận, nhận biết nó, rồi lại tập trung vào từng hơi thở nặng nhọc của mình. Sau mỗi lần thiền, tôi có cảm giác nhẹ nhàng hơn. Nó không đẩy lùi Covid, chỉ là mọi cảm nhận về hơi thở và thân xác lúc ấy nó nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Bạn có thể bắt đầu việc này từ việc học nhận biết được những suy nghĩ và những cảm xúc của mình hằng ngày. Ví dụ khi bạn đau vai, gáy, cổ, hoặc đau lưng, bạn tập để nhận biết nó một cách nhẹ nhàng bằng cái tâm tĩnh lặng, tập trung vào chỗ đau, có thể thông qua ngồi nhắm mắt thư giãn hay thiền định. Sau khi nhận biết cái đau, cái mỏi mệt, bạn đừng cưỡng lại trong suy nghĩ, đừng phán xét, đừng tạo nên câu chuyện gì khác về cái đau ấy, mà chỉ đơn giản dừng tâm lại đó để cảm nhận nó. Lúc này, bạn có thể tưởng tượng tâm bạn như cái máy CT scan, nó quét toàn bộ cơ thể mình, quét đến chỗ đau nó nhận biết chỗ đó đau, và cứ thế để tâm quét tiếp đến chỗ khác trong cơ thể.
Tôi tin rằng nếu chúng ta thực hành mỗi ngày, chuẩn bị cho mình khả năng nhận biết và chấp nhận đặc biệt này, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua được những giai đoạn khó khăn cai nghiệt của cuộc sống, đặc biệt là trong những lúc thập tử nhất sinh mà trước sau mỗi người chúng ta đều phải trải qua…ít nhất…một lần.