Ngày ba tôi mất, cả nhà không ai khóc, chỉ riêng đứa nhỏ 7 tuổi rưng rưng nước mắt khi thấy mọi người đưa xác ông nội vào quan tài. Đứa út hai tuổi thì lắp bắp: “Ông nội ngủ trong đó hả…ông nội về với ông phật hả cha’’.
Mặc dù cả nhà đều đã có chuẩn bị tinh thần mấy tháng trước và ba tôi cũng vậy, ông đã chấp nhận và biết trước con đường của mình đi sắp tới, nhưng nhân tình thế gian của người phàm tục thì khó mà kiềm lòng trước lúc sinh ly tử biệt.
Mẹ tôi đã rất nhiều năm rồi không khóc. Ngày xưa thỉnh thoảng tôi thấy mẹ khóc khi cuộc sống gia đình quá cực, còn kèm theo cái khổ do sự gia trưởng, khó tánh, cọc cằn, thô lỗ của ba. Thời thanh xuân, mẹ còn bị ba đánh đập, chửi bới. Sau khi ba bị tai nạn liệt ngồi một chỗ, chuyện đánh đập không còn nhưng mẹ vẫn thường bị chửi bới, la mắng.
Năm tôi 8 tuổi, mẹ đã dự định dẫn thằng út bỏ nhà đi vì không chịu nổi cuộc sống cứ như địa ngục. Chưa kịp đi thì chỉ một tháng sau ba bị tai nạn liệt nằm một chỗ. Nghiệp duyên kéo mẹ lại tiếp tục làm một người vợ phục tùng, một người mẹ chỉ biết làm ngày, làm đêm để chăm lo cho chồng, cho con. Gần năm mươi năm làm người vợ hầu hạ, phục tùng, bị bao nhiêu lời chửi bới cai nghiệt, mẹ dường như đã quen, không còn phàn nàn, không còn giận hờn mỗi khi bị ba nói những lời nặng nhẹ.
Trên đường đưa xác ba đến nhà hỏa táng, mẹ nhắm mắt chắp tay cầu nguyện, nước mắt mẹ tự nhiên rưng rưng chảy. Dường như mẹ không khóc vì mất đi người chồng, mà mẹ khóc cho một kiếp người lắm nỗi khổ đau. Chỉ có mẹ là người cảm nhận được nhiều nhất sự khổ đau của ba về thể xác lẫn tinh thần, vì mẹ là người ngày đêm túc trực bên ba 35 năm qua từ ngày ba gặp nạn, và cũng chỉ có mẹ mới có đủ tất cả những nghị lực phi thường để vừa chịu đựng, vừa cảm thông chia sẻ với ba.
Vài ngày sau ba mất, mẹ dường như hụt hẫng một phần. Đã quen hầu hạ, phục vụ một người suốt 50 năm, giờ đây bỗng dưng không còn ai để phục vụ, không còn ai để la mắng mình, mẹ dường như mất đi một phần của mục đích sống hằng ngày.
Từ một người không được đi học, thô tục, cọc cằn, gia trưởng, nóng nảy, bạo hành, ba đã dường như giác ngộ qua nhiều giai đoạn cuộc đời. Ít ra là cả huyện dưới quê tôi không thấy ai sống được như ba. Ít người nào làm được những việc ba làm. Ít ai bỏ được hết rượu chè, bài bạc, thuốc lá và chay trường 40 năm chỉ bằng một ý chí. Ít ai có đủ ý chí sống được 35 năm với nửa người bại liệt, lở loét triền miên, tiểu tiện không biết. Ít ai đã lầm lỗi mà dám nhận mình sai, ít ai đủ can đảm để xin lỗi vợ con những ngày cuối đời, ít ai biết mình sắp chết và chấp nhận để chuẩn bị ra đi.
Những ngày cuối đời, ba bị sự đau đớn của thể xác hành hạ, từng hơi thở rất nặng nhọc và khó khăn, nhưng ba không la ó, không than van, không than thân trách phận. Tinh thần về đạo, về sinh tử ba đã học và quán chiếu về nó nhiều năm và đã chuẩn bị cho mình rất lâu. Nhưng có lẽ ba chưa bao giờ chuẩn bị cho mình nỗi đau của thân xác trong quá trình chết, vì quá trình này ba chỉ được trải nghiệm một lần duy nhất.
Khi ba mẹ bắt đầu lên Sài Gòn sống, tôi lập mục tiêu hằng năm những việc cần làm cho ba mẹ, việc chính là tìm thêm vài chỗ bên tôn giáo của ba mẹ để họ đi gieo duyên và làm từ thiện, đó là việc duy nhất làm ba mẹ vui. Một tháng trước, tôi mở quyển hồi ký của mình, lòng nặng trĩu khi phải gạch bỏ một mục tiêu của năm 2023: “đưa ba mẹ đi thăm thêm 3 cơ sở tôn giáo làm từ thiện”. Vì tôi biết ngày ba mất không còn xa.
Giờ đây, tôi viết lại mục tiêu mới cho mẹ: “Tạo điều kiện cho mẹ vừa đi làm từ thiện, vừa được đi du lịch, đưa mẹ về thăm bà con bên ngoại – những người còn sống, cho mẹ đi qua Ấn Độ thăm nơi Đức Phật thuyết giảng…’’. Những mục tiêu này tôi không biết làm được bao nhiêu vì ngày mẹ ra đi tôi hoàn toàn không biết khi nào. Điều tôi có thể làm là làm những gì mình có thể làm ngay lúc này.
Mục tiêu hàng năm cũng là mục đích sống hàng năm, những mục đích sống hàng năm này gom lại là những mục đích sống của một đời người. Ba mẹ tôi có mục đích sống rất rõ ràng. Ngày xưa, sống để lo con cái có cái ăn cái mặc, được học hành đến nơi, đến chốn. Về già, họ muốn sống sao cho có ích những năm cuối đời thông qua việc làm thiện nguyện cùng đồng đạo. Mục đích sống này là cái mà ba mẹ tôi bám vào để đi tiếp mỗi ngày, mỗi ngày thức dậy có một lý do để thức dậy và cứ thế mà họ sống qua từng ngày mấy chục năm qua, chưa bao giờ tôi thấy ba mẹ ngã lòng, bị hoang mang hoặc bị dòng đời lôi kéo theo hướng khác.
Ngày xưa tôi cũng lập cho mình cả mấy chục mục tiêu cần đạt được trong đời, giờ đây tôi chỉ còn 4 mục đích sống:
1. Dạy và giúp các con có đủ tri thức đúng đắn để sống làm người tốt, để có cuộc sống an vui sau này.
2. Giúp thay đổi được 200 cuộc đời của các em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt thông qua Quỹ Be Better.
3. Lan tỏa những điều tích cực, thiện lành đến 5 triệu người thông qua Quỹ, viết sách, viết bài chia sẻ (mục tiêu tham vọng nhất và khó nhất).
4. Sống bình thản, an yên mỗi ngày và ra đi nhẹ nhàng trong sự đầy mãn nguyện.
Tiền, danh tiếng và quyền lực chỉ là các công cụ để thực hiện một mục đích duy nhất của con người, đó là “SỐNG’’. Ba mẹ tôi không có 3 công cụ trên, tiền cũng không, danh tiếng cũng không, quyền lực cũng không. Nhưng một điều làm tôi phải học, phải chiêm nghiệm, phải truyền đạt lại được cho thế hệ mai sau là làm sao họ đã được sống rất nhiều, và làm sao để được sống một đời đáng sống.