Để trở nên giàu có hơn, có thêm nhiều hơn, con người phải làm nhiều hơn, toan tính nhiều hơn, mưu mẹo nhiều hơn, thực dụng hơn v.v
Giàu tức là nhiều, giàu hơn tức là nhiều hơn.
Con người không chỉ muốn giàu về tiền bạc mà còn muốn giàu về tiếng tăm, và giàu về quyền lực.
Sự tham vọng được nhiều hơn là quyền của mỗi người, không có sai hay đúng. Cái đáng quan tâm là những cái nhiều hơn này có bền vững, có tốt cho mình hay lại hại chính bản thân mình.
Tất cả những gì bền vững đều phải dựa vào những cơ sở đúng đắn. Những cơ sở đúng đắn này xuất phát từ sự hiểu biết đúng đắn. Sự hiểu biết đúng đắn phải đến từ tri thức đúng đắn.
Nhưng cái gì đúng đắn và cái gì không đúng đắn?
Đối với sự hiểu biết của người này thì như vậy, với họ, là đúng đắn, nhưng lại ngược lại đối với người kia.
Nếu là đúng đắn thì trước tiên nó phải tốt cho chính bản thân người ấy. Tiếp theo là sự đúng đắn đó không làm hại bất kỳ ai, dù gián tiếp hay trực tiếp, chưa nói đến cái đúng đắn đó có tốt cho người khác hay không.
Tốt cho chính bản thân một người nghĩa là tốt cho họ về mặt vật chất và/hoặc về mặt tinh thần.
Tốt về vật chất nghĩa là cái giàu thêm, cái họ có thêm, giúp chất lượng cuộc sống họ được tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu một người họ tốt hơn về vật chất, nhưng lại gây hại đến đời sống tinh thần của họ thì việc đó là không đúng đắn, vì không ai muốn đánh đổi đời sống vật chất để lấy sự khổ sở về tinh thần.
Ví dụ như một người họ làm giàu, nhưng việc giàu thêm này lại làm cho họ bệnh tật, mất ăn mất ngủ, lo âu, buồn bực, đời sống tinh thần họ rất khổ, như thế là không đúng đắn.
Ngoài ra, việc họ có thêm, giàu thêm cũng không nên gây hại cho người khác, dù gián tiếp hay trực tiếp.
Trực tiếp thì rất dễ thấy và hậu quả tiêu cực họ phải gánh chịu sẽ diễn ra rất sớm. Ví dụ như một người họ làm ăn bất chính, hoặc lạm dụng quyền lực để trục lợi bản thân thì chúng ta thấy rằng hậu quả họ nhận sẽ rất nghiêm trọng.
Việc này là không đúng đắn vì nó gây hại cho người khác và sau đó việc không đúng đắn đó lại quay lại gây hại cho chính bản thân họ.
Việc trên rất dễ thấy nhưng nhiều người lại không thấy.
Cái càng khó hơn nữa là những tác hại gián tiếp, bao gồm tự hại bản thân họ gián tiếp và làm hại người khác gián tiếp mà họ không biết.
Những tác hại gián tiếp ở đây đa phần là về đời sống tinh thần, vô hình nên ta không dễ thấy.
Ta mất tiền ta nhận thấy ngay được rằng mình mất tiền, nhưng rất ít khi nào ta nhận thức được sự an yên của gia đình & sự bình yên của bản thân bị đánh mất.
Ta có thêm 100 triệu, ta biết được rằng mình có thêm 100 triệu, nhưng ta không nhận biết được sự an vui khi ta có thêm một ngày an vui.
Càng khó hơn để nhận biết được mình có đang gây hại cho người khác một cách gián tiếp về mặt tinh thần hay không.
Ví dụ như vì mình bận bịu, mình lo toan, tinh thần mình sa sút. Sự sa sút tinh thần này làm cho vợ/chồng, con cái, cha mẹ v.v. bị ảnh hưởng theo rất nhiều, và từ đó gia đình mất đi sự an yên. Lúc đó, mình gián tiếp hại cả gia đình nhưng mình hoàn toàn không nhận biết.