Sự do dự trong quyết định dẫn đến việc trì hoãn một hành động (procrastination) sẽ bắt con người phải trả giá, có khi phải trả giá bằng cả tính mạng. Ví dụ, chúng ta biết có những thói quen chúng ta cần thay đổi về ngủ nghỉ, ăn uống để duy trì sức khỏe, chúng ta biết nó rất cần, rất quan trọng nhưng không hành động. Sau một thời gian dài, việc trì hoãn này dẫn đến nhiều bệnh tật, có khi là bệnh nan y. Một ví dụ nghiêm trọng hơn như việc biết khi đã uống bia rượu thì không được lái xe, biết nhưng vẫn làm vì mấy chục năm qua không bị gì. Nhưng, khi tai nạn xảy ra chỉ một lần, chỉ một lần duy nhất, thì có khi phải trả giá bằng cả tính mạng, cả cuộc sống của toàn bộ gia đình.
Những trường hợp tương tự hiện hữu rất nhiều trong công việc làm lẫn trong đời sống hàng ngày. Biết rằng cần dạy con cái những thói quen tốt nhưng không làm, biết rằng cần giành thời gian cho con cái, cha mẹ trước khi quá muộn nhưng không làm, biết rằng cần làm cái này, cần làm cái nọ để được sống an vui nhưng không làm. Khi nghe ai nói về một loại kiến thức, cái tôi nó bình luận rồi tranh luận, nó tỏ ra cái gì nó cũng biết, nhưng không làm bất cứ việc gì.
Con người phải gánh chịu hậu quả cho những cái họ không biết, nhưng nghịch lý và đáng buồn hơn là chúng ta cũng phải trả giá cho những gì mình biết, vì biết mà không làm. Biết nhưng không làm này do hai nguyên nhân. Một là do thói quen được hình thành quá lâu nên nó đã trở thành nhân cách. Hai là do cái Tôi quá lớn, làm cho cái Tâm nhận biết của mình bị lu mờ qua một thời gian dài. Hai nguyên nhân này lại có quan hệ mật thiết với nhau, đan xen vào nhau. Không thay đổi được thói quen vì cái Tâm lu mờ. Cái Tâm lu mờ vì tại cái Tôi muốn thể hiện, nó cho nó biết, nó cho nó khác người thường, nó cho nó hay, nó cho nó đúng nên nó không chịu thay đổi.
Để phá vỡ được vòng lặp phức tạp này, chúng ta cần có thời gian để nhìn nhận. Khi cái Tâm nó chậm lại một chút, nó sẽ bắt đầu nhận thức được (awareness) tại sao mình làm cái mình đang làm. Lúc đó nó sẽ tự đặt những câu hỏi về chính bản thân nó, nó bắt đầu có ´sự tự xem xét´ (self consideration) và ´sự tự chiêm nghiệm´ (self contemplation). Khi thực hiện nhiều lần ´sự tự xem xét´ và ´sự tự chiêm nghiệm´, cái Tâm sẽ bắt đầu hiện hữu, bớt lu mờ, và nó sẽ bắt đầu… thay đổi.