Bài này chỉ dành cho các bạn trẻ – Một trong những thông điệp chia sẻ với các cháu lớp 12 của chương trình Mentorship – Quỹ Be Better Foundation, chuẩn bị tư duy vào đời
==
1. Xác định rõ ràng, định nghĩa cụ thể, mô tả chi tiết thành công của mình là gì: là có được công việc làm tốt, có thu nhập tốt, là trở thành ông này/bà nọ v.v. ‘Không biết mình muốn gì thì sẽ không thể đạt được gì.’
2. Hình dung, mô tả chi tiết việc làm tốt là làm việc gì, thu nhập bao nhiêu là thu nhập tốt, ông này/bà nọ là chức vụ gì, làm công việc gì. ‘Mục tiêu mơ hồ thì sẽ hành động mơ hồ’.
3. Lập kế hoạch hành động cụ thể để đạt được thành công đó (mục tiêu). Kế hoạch phải có: cần làm gì, học những gì, thời gian nào trong tương lai sẽ cần phải đạt được mục tiêu. ‘Mục tiêu không có thời gian hoàn thành thì nó sẽ trôi theo năm tháng.´
4. Triển khai kế hoạch mỗi ngày bằng những hành động cụ thể đã đề ra trong kế hoạch. ‘Mục tiêu mà không có hành động thì nó chỉ là ước mơ’.
5. Thường xuyên xem xét lại tiến trình và hiệu quả. Quá trình hành động, quá trình triển khai kế hoạch có đi đúng hướng, có hiệu quả hay cần điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. ‘Biết mình đang làm gì và có hiệu quả thực tế hay không’.
6. Kiên nhẫn bám sát quá trình triển khai, không thay đổi mục tiêu chỉ vì những tác động bên ngoài. Nhìn lại quá trình đã đi, những cái đã đạt được trong quá trình triển khai kế hoạch để làm động lực.
Đừng bận tâm với cái chưa có mà cần hãnh diện với thành quả đã đạt được. ‘Sau khi lập mục tiêu và kế hoạch, đừng bận tâm đích đến mà hãy tập trung vào quá trình triển khai (process & progress)’.
7. So sánh thành quả của mình với chính bản thân mình của quá khứ, không so sánh mình với người khác. ‘Lấy mình so với người khác là đang đuổi hình bắt bóng’.
8. Tăng thử thách bản thân bằng cách tăng mục tiêu cao hơn, nếu thấy mục tiêu ban đầu quá thấp. ‘Bạn sẽ không bao giờ biết được hết khả năng của mình. ‘Hãy luôn thử thách mình với phiên bản của mình trong quá khứ.’
9. Thực hiện lại bước 1 đến bước 8, nếu bắt buộc phải thay đổi cái định nghĩa thành công của mình.
10. Quan trọng nhất, qua mỗi bước thức hiện, phải rút ra được những bài học, những nguyên tắc cho riêng mình, để lần sau nếu có vấp ngã thì phải vấp ngã về phía trước (fail forward – vấp ngã nhưng không đi lùi, vấp ngã thông minh hơn).
Cuối cùng, đừng làm theo những gì tôi nói mà hãy tự chiêm nghiệm cái gì nên, cái gì không nên, cái gì tốt, cái gì xấu để có cách đạt được thành công riêng của mình, vì cuối cùng chỉ có chính bạn mới là người sống cuộc đời của bạn.