Câu chuyện này cha thỉnh thoảng kể cho các bạn bè nghe khi lai rai vài ly bia, khi nói về chủ đề lái xe khi ăn nhậu…Mỗi khi cha kể, mục đích đơn thuần chỉ là nói với bạn bè chuyện uống rượu bia rồi lái xe là nguy hiểm, là không nên, là sai…nhưng đằng sau câu chuyện của cha hàm chứa nhiều bài học mà mãi đến bây giờ thỉnh thoảng cha vẫn còn vấp phải.
Năm 2009, lúc mới ‘ăn nên làm ra’ được một chút, lúc mới chỉ có chút tiền, cha cũng đua đòi mua một chiếc xe ô tô. Chiếc xe rất tầm thường so với những ‘đại gia thật sự’ nhưng cha lấy đó là cái thành công, ‘cái đại gia’ của mình. Đi đâu cha cũng lái xe nhằm thể hiện mình giàu có, là ông này, ông nọ. Nhưng đa phần cha chỉ lái xe đi la cà hết quán này đến quán khác, nhậu nhẹt ‘tăng 2, tăng 3’ ở các nhà hàng rồi quán bar, vũ trường. Một ngày kia, cha cũng lái xe đi nhậu, rất say xỉn, về nhà lúc khoảng 2h sáng. Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, gần đường vào Vinhome bây giờ, cha bị chú cảnh sát giao thông thổi vào với cái lỗi là chạy sai lane quy định. Cha cãi rằng khuya thế này không có một chiếc xe thì lane đi thẳng và lane để quẹo trái có khác gì nhau vì có cái đèn tín hiệu giao thông nào hoạt động đâu. Chú cảnh sát một hai nói cha sai, bắt đem giấy tờ ra để kiểm tra và ghi giấy phạt. Cha lấy hồ sơ ra, dập cửa rất mạnh và miệng thì chửi lầm bầm mấy câu gì đó cha không nhớ, nhưng cha chỉ nhớ là cha dập cửa rất mạnh, như dằn mặt chú cảnh sát. Chú cảnh sát nói ‘nè, tui với anh cũng ngang tuổi như nhau nha, anh nói chuyện cho đàng hoàng nha!’ Cha không để cho chú cảnh sát nói hết câu mà ngắt ngang và quát lớn tiếng, tay thì chỉ trỏ vào mặt chú ấy ‘tao với mày không gì như nhau hết, mày là cái thá gì, tao nè, là chủ 1 công ty nè, tao dưới quê lên hai bàn tay trắng giờ tao có tiền mua xe, tao làm giám đốc nè, mày là cái gì mà nói mày như tao?’ Sau đó cha chửi càm ràm thêm vài câu nữa mà không nhớ mình nói gì. Chú cảnh sát đứng im chừng 1 phút quay qua cha nói ‘tôi nghi ngờ anh uống rượu lái xe, đề nghị anh về đồn Phạm Ngọc Thạch để đo nồng độ cồn! ‘ Khỏi đo, mày viết giấy phạt đi !’ ‘Không tôi đề nghị anh đi theo tôi về đồn để đo nồng độ cồn!’ Cuối cùng cha theo chú ấy về trụ sở ở Phạm Ngọc Thạch. Chú ấy ‘nhiệt tình’ đến mức kêu trưởng phòng mình đang trực thức dậy, mở đèn, mở két sắt, lấy ra cái máy đo nồng độ cồn, bắt cha thổi. ‘Tôi đề nghị anh không được lái xe về nhà, anh uống quá mức quy định, chúng tôi sẽ tạm giam xe, sáng mai xử lý tiếp’.
Đoạn này có câu chuyện khá hài, cười ra nước mắt. Chú ấy bắt cha chạy xe quay lại chỗ lúc cha bị bắt lúc nãy để giam xe vì bãi xe của CSGT ở gần đó, dưới dạ cầu Sài Gòn, con đường vào khu Vinhome bây giờ. Cha nói ‘sao lúc nãy ông không giam xe luôn chỗ đó, bắt tôi chạy đến đây rồi giờ lại chạy ngược lại chỗ đó, tui xỉn rồi sao chạy? ‘ Uh, vậy để tôi chạy’, chú cảnh sát đáp. Chú ấy loay hoay một hồi mà không de xe ra khỏi sân đồn cảnh sát được, cha hỏi ‘ông có biết lái xe không vậy?’ ‘Có, nhưng tại tôi ít lái’ ‘Trời, ông không biết lái mà lái rồi đâm xe tôi hư ai chịu ?’ ‘Hư tôi đền, còn đỡ hơn để anh xỉn mà lái xe…’ Bó tay…
Sau khi giam xe xong, cha đi bộ ra Điện Biên Phủ kiếm xe về, ‘bước thấp bước cao ngả nghiêng trên con đường dài’, cha sụp xuống một cái cống, trời thì đang mưa tầm tã, cha nhém bị nước dưới cống cuốn đi, người ướt nhem từ đầu đến chân…. Rồi cha cũng như bao nhiêu người khác, lấy điện thoại gọi điện các ‘mối quan hệ’ lung tung để ‘xin trợ giúp’…thật ra cha có quen ai có quyền thế gì đâu, mà ai lại nghe điện thoại lúc 2-3h sáng, cha chỉ toàn gọi mấy người bạn nhậu vớ vẩn. Cha bị giam xe gần 1 tháng, phải thi lại từ đầu để lấy lại bằng lái mới. Dĩ nhiên để lấy xe ra được và để lấy lại bằng lái là rất rất phiền hà và tốn rất nhiều thời gian công sức, nhưng cốt lõi của câu chuyện này không phải chỗ đó, và đây là mới là lời nhắn nhủ cha muốn để lại cho các con.
Chuyện xỉn say mà lái xe thì quá sai, không có gì để bàn. Giờ này cha nhớ lại mà còn ‘nổi da gà’. Càng nghĩ lại càng thấy mình khốn nạn biết bao. Cha tưởng tượng nếu như cha đã lỡ đụng ai và làm chết người thì giờ này cha vẫn còn ngồi trong tù, tương lai cha sẽ về đâu, các con sẽ như thế nào, và rồi cái gia đình mà cha đụng người ta chết, có thể là người mẹ, người cha, người con của ai đó, có khi là cả gia đình, họ sẽ đau khổ đến mức nào. Hoặc ngược lại, nếu cha vì say xỉn mà tự đụng xe và chết thì gia đình mình bây giờ ra sao…Bài học này không dừng lại chỗ đó. Bài học lớn hơn, và là nguồn cội gốc rễ của bài học này là cái bản ngã, cái tôi, cái tự cho mình là thế này thế nọ. Nếu cha không ngạo mạn hống hách, không thể hiện, không khoe khoang thì cha đã không lái xe mà đi ăn nhậu và càng không có chuyện cha vô cớ chửi chú cảnh sát vô cớ, xem thường, khinh miệt, sỉ nhục người ra. Nếu con cho mình là hơn, là đẳng cấp, là tốt hơn, là giàu hơn, là địa vị cao hơn, và quyền hạn nhiều hơn thì trong hành vi các con đâu đó sẽ cũng sẽ có những cách cư xử giống như cha trong câu chuyện này, mà không nhất thiết là chuyện lái xe xỉn say và chửi người khác. Nó đơn giản là cái suy nghĩ, cái tư duy của các con trong một điều kiện hoàn cảnh nào đó chất chứa sự phân biệt và thể hiện ‘cái hơn, cái tôi’ của mình. Nó có thể là chuyện con khinh miệt, nặng lời người phục vụ bàn, nó có thể là sự thể hiện ‘người có tiền thì có quyền’ khi đi shopping, nó có thể là cách con nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp hay nhân viên cấp dưới của mình. Những sai lầm này tuỳ theo hoàn cảnh khác nhau mà mức độ thể hiện ra bên ngoài khác nhau. Có khi nó chỉ là cái phớt lờ không thèm ngước mặt nhìn người bán vé số khi người ta mời con mua, nó có khi chỉ là một cái bĩu môi khinh thường, xem thường một ai đó. Con là sinh viên trường A tốt hơn trường B thì con cũng sẽ có cái suy nghĩ cao thấp đó, con là bồi bàn nhưng con có nhiều tiền típ hơn đồng nghiệp thì con cũng có cái suy nghĩ hơn thua cao thấp theo lối tư duy đó v.v. tất cả những cái đó là nhu cầu thể hiện của cái tôi, cái bản ngã của một con người. Ai cũng có, chỉ là ít hay nhiều. Nếu nhận thức được nó, kiểm soát được nó càng nhiều thì cuộc sống các con sẽ vui vẻ hơn, sẽ hoà đồng hơn, sẽ có thêm tình người, tình thương, thêm lòng trắc ẩn và giảm đi những sân si vô nghĩa. Để làm được vậy, tâm các con cần được tĩnh, trí cần phải sáng. Để đạt được hai điều này là cả một đời người học và rèn giũa. Đâu đó trên đường đời sau này các con sẽ gặp những hoàn cảnh tương tự như câu chuyện của cha, nhưng điều quan trọng nhất là các con biết nhận thức được chúng trước khi để chúng kiểm soát được mình. Trong trường hợp của cha thì cha xem như mình may mắn vì cha nhận thức được nó chậm hơn hành động, tức là, hành động cha đã làm rồi cha mới nhận thức được thì có khi nó đã rất trễ. Có những sự kiện trong đời các con không có được cơ hội thứ hai để làm lại vì vậy nhận thức được cái đúng, cái sai trước khi hành động là cốt lõi để né tránh sai lầm, hoặc sự cố chấp sẽ tiếp tục kéo các con vào hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Đời người âu cũng là một chuỗi của nhiều bài học, nhiều sai lầm. ‘Có sai lầm mới có học hỏi, có thất bại mới có thành công’. Câu này không hẳn đúng. Câu này vô tình khiến nhiều người tự cho mình có quyền sai lầm nhiều lần và có quyền thất bại nhiều lần. Câu của cha là ”con không nhất thiết phải sai lầm để rồi mới học, con không nhất thiết phải thất bại rồi mới thành công….”