Chúng ta ai cũng biết cái gì tốt cái gì xấu. Chẳng qua trong cuộc sống bận rộn hàng ngày mình thường quên nên mình làm nhiều thứ linh tinh không quan trọng. Mình làm mà mình KHÔNG nhận thức được lúc mình đang làm nên mình mới làm, nhưng bản chất thực sự là mình có biết cái gì quan trọng, cái gì không quan trọng. Ví dụ như ai cũng đủ hiểu biết để biết rằng việc mình cứ liên tục mở cái điện thoại, lướt qua lướt lại, bấm cái này, mở ứng dụng nọ, cầm lên rồi để xuống là không cần thiết, nó lấy đi rất nhiều thời gian quý báu trong ngày của mình, nó cũng làm cho mình liên tục bồn chồn. Biết vậy, nhưng trong cuộc sống hàng ngày mình vẫn làm. Mình làm không phải do không hiểu biết mà nó chỉ là do thói quen đã thấm nhuần trong tiềm thức qua một thời gian dài.
Những thói quen nhỏ nhặt này chất chồng lên nhau, mỗi ngày thêm một chút. Tất cả chúng ta sống qua một ngày bằng một chuỗi thói quen được hình thành qua thời gian. Từ cách chúng ta thức dậy, làm gì trước, ăn gì, đi làm, sử dụng điện thoại, cách giao tiếp, cách đi đứng, cách ăn diện, giờ đi ngủ v.v. tất cả là những thói quen.
Chất lượng cuộc sống của một người khác nhau ở chuỗi thói quen này. Nếu cả một ngày mình trải qua đều được thực hiện bằng những thói quen tích cực, hữu ích thì cuộc sống về vật chất lẫn tinh thần sẽ khác.
Để thay đổi những thói quen không hữu ích, không tích cực thành những thói quen tốt, tích cực cho cuộc sống của mình thì mình cần ‘’nhận biết được tại mỗi thời điểm đó mình đang làm gì, nghĩ gì và tại sao mình làm như vậy’’. Để nhận biết được thì mình cần ‘’bước lùi lại một bước’’, hoặc dừng lại một vài giây trước khi hành động. Khi mình cầm điện thoại lên, mình dừng lại 1-2 giây và mình biết rằng mình đang cầm điện thoại, sau đó mình hỏi mình cầm điện thoại để làm gì, nó có hữu ích và cần thiết lúc này hay không. Tương tự, cho mỗi hành động mình chuẩn bị làm, mình để tâm ý của mình hoàn toàn vào lúc đó, mình ngưng lại một vài giây và hỏi mình đang làm gì, mình làm nó thế nào, tại sao làm vậy. Cũng như khi tôi viết bài này, tôi bước lùi lại một bước bằng cách khi đang viết, tôi dừng lại, đi ra khỏi bàn làm việc, xem xét việc này có cần thiết, có hữu ích, cho ai hay không, sau đó tôi quyết định viết tiếp hay dừng đăng bài.
‘’Khi dừng lại mình sẽ thấy’’. Dừng lại là dừng các suy nghĩ lại một chút trong lúc mình đang làm một việc gì đó, để tất cả suy nghĩ gom lại chỉ còn một suy nghĩ, đó là nhận biết được mình đang làm gì lúc này, tại sao làm như vậy. Chỉ cần tập được việc này mỗi ngày một chút thì chúng ta có thể uốn nắn những thói quen tiêu cực của mình dần dần. Mình chỉ có thể uốn nắn thói quen chứ không thể bẻ gãy nó ngay lập tức. Đó cũng là lời dạy của bật giác ngộ (chánh niệm) và cũng là khoa học tâm lý cách bộ não mình vận hành. Khi hiểu được, mọi thứ thật sự rất đơn giản.