Con người sợ những gì họ không biết. Mình không biết nó sẽ như thế nào, xử lý ra sao, mình không hiểu hết bản chất thật sự của một sự việc thì mình sẽ sợ. Vì mình không biết ma (ghost) có tồn tại không, nó có làm gì mình không nên mình sợ. Mình không biết chết sẽ như thế nào, chết rồi đi về đâu, mình sẽ bị gì hay không nên mình sợ.
Sự vô minh (thiếu hiểu biết chân lý) làm con người đau khổ, và sợ hãi chỉ là một trong nhiều cái khổ. Sợ dẫn đến sự né tránh, không dám làm hoặc không dám nói về sự việc mình sợ. Sợ dẫn đến lo lắng, lo lắng cũng dẫn đến khổ. Lo lắng và sợ hãi thường đi song song với nhau. Tôi lo, tôi sợ, thành ra tôi lo sợ.
Trước đây mình không biết bơi nên mình sợ sông nước. Sau khi mình biết bơi thì mình không còn sợ nữa. ‘’Cái biết nó sẽ giết cái sợ’’. Cái sợ cũng như mình đi trong màn đêm tăm tối. ‘’Cái biết’’ như ngọn đuốc soi sáng, xua đi màn đêm u minh, cho mình thấy những gì mình chưa thấy, giúp mình biết những gì mình chưa biết.
Để bớt sợ hay hết sợ thì mình cần có cái hiểu, cái biết đúng đắn (true wisdom) về ‘’quy luật vận hành của cuộc sống, của vạn vật và vũ trụ’’. Trong nhiều quy luật cuộc sống có hai quy luật rất quan trọng. Quy luật Nguyên nhân-Hệ quả (Cause & Consequence) và quy luật của Thực Tế (the law of Reality) .
Nguyên nhân- Hệ quả: mọi sự việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Có những nguyên nhân mình biết, mình thấy trong sự hiểu biết của mình và có những nguyên nhân mình không biết vì nó vượt ngoài sự hiểu biết của mình. Khi nó vượt ra ngoài sự hiểu biết của mình thì mình lại quay về lo sợ, mình lại bị kẹt trong màn đêm tăm tối.
Quy luật thực tế/thực tại: cái thân của mình nó sẽ bệnh, sẽ già, sẽ chết dù mình có muốn hay không muốn. Kinh tế có chu kỳ lên và xuống, xã hội, thế giới có lúc này, lúc khác, bệnh dịch này hết sẽ đến bệnh dịch khác cho dù mình có muốn hay không. Tai nạn, chết chóc đau thương trên trái đất này sẽ vẫn xảy ra cho dù mình có muốn hay không. Nếu mình không biết thì mình sẽ không chấp nhận nó, mình sẽ khổ. Vì mình không biết nên mình cũng sẽ quay lại màn đêm tăm tối.
Không ai có thể giúp mình thoát ra khỏi màn đêm của sự u minh. Chỉ có mình phải tự học, tự trải nghiệm, tự chiêm nghiệm để có tri thức, có ánh sáng của trí tuệ để diệt được cái sợ bên trong tâm thức của mình. Đức Phật Thích Ca ngày xưa cũng chỉ có mở con đường đi cho đại chúng, còn đi hay không, đi con đường đó như thế nào thì mỗi người phải tự đi.