Khi biết được trường của mình sẽ có 27 em được nhận tài trợ toàn phần học đến hết đại học, thầy vội đứng dậy ôm tôi thật chặt… Thầy không nói được nhiều lời hoa mĩ, thầy chỉ ôm tôi rồi nói ‘’quý quá anh, không còn gì quý hơn..’’. Trong cái bắt tay ấy tôi thấy thầy rưng rưng nước mắt, cứ như thầy muốn khóc thật nhiều, giữa cái lạnh buốt của đất trời, tôi cảm nhận được sự ấm áp và cái hạnh phúc bên trong thầy.
Tìm hiểu thêm tôi mới biết thầy cũng là người dân tộc, cũng là người con lớn lên từ vùng đất này. Dường như những gì các em người dân tộc đang phải trải qua thì thầy cũng đã từng trải qua mấy chục năm trước.
Trong một phút tĩnh lặng, chiêm nghiệm tôi thấy rằng nếu ai đã từng trải qua một hoàn cảnh khó khăn nào đó trong quá khứ, họ dễ dàng cảm thông, dễ dàng thấu hiểu hơn cho người cùng cảnh ngộ.
Xét vậy, nếu mình cho con mình thấy, nghe, và trải nghiệm nhiều sự khó khăn của cuộc sống thì con mình sẽ biết quý trọng giá trị đồng tiền chân chính từ sức lao động. Nếu mình cho con mình trải nghiệm cái cực khổ của nhiều người bất hạnh hơn thì con mình sẽ có thể phát triển lòng trắc ẩn, tình thương, biết hy sinh, chia sẻ với người khác.
Những gì mình nghe mình không cảm nhận được nhiều bằng chính mắt mình chứng kiến, những gì mình cảm nhận qua sự chứng kiến ấy cũng chỉ là một phần rất nhỏ của người trải nghiệm thật sự. Tri thức có thể đi đường tắt nhưng trải nghiệm thì không. Nếu mình thông minh hơn, mình có thể học tri thức nhanh hơn người khác nhưng trải nghiệm thì không thể. Tri thức được diễn tả bằng lời, bằng ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ thì rất hạn chế, không thể diễn tả hết được trải nghiệm của một đời người. Ngôn ngữ không thể diễn tả hết cái cảm giác vi diệu của hạnh phúc, ngôn ngữ không thể diễn tả được hết cái khổ đau cùng cực của chúng sanh. Khi thật sự cảm nhận được cái hạnh phúc và cái khổ không thể diễn tả bằng lời ấy của nhân loại cũng là khi con người mình đang vượt qua trạng thái tâm thức tầm thường của một người phàm tục (spiritual transcendence).