Tôi muốn để cái thẻ từ chung cư của mình ở sau lưng cái điện thoại cho nó tiện, nhưng tôi lại sợ nếu như mất cái điện thoại thì mất luôn cái thẻ, sẽ không thể vào nhà. Xong, tôi nghĩ, hai mươi năm qua tôi bị mất cái điện thoại mấy lần, không lần. Vậy khả năng tôi bị mất cái điện thoại là bao nhiêu phần trăm? Và rồi nếu có mất luôn cái điện thoại và mất luôn cái thẻ vào nhà thì sao? Tôi sẽ bị gì?
Lo lắng là một dạng của sự sợ hãi. Lo lắng có thể lấy đi tuổi thanh xuân và giết dần, giết mòn sức khỏe, tinh thần của bạn. Hãy viết ra thử tất cả những lo lắng mà bạn đã từng lo lắng và hãy thật lòng trả lời ‘’những cái lo lắng đó có bao nhiêu cái đã thật sự xảy ra? ‘’
Lo lắng cũng có hai loại: tích cực và tiêu cực. Lo lắng tích cực là loại lo lắng giúp mình cố gắng làm, lập kế hoạch để đạt được một thành tựu nào đó. Ví dụ như mình lo rằng mình sẽ bị đột quỵ, bị nhồi máu cơ tim, từ đó mình biết chăm lo sức khỏe, quan tâm đến việc ăn, uống, ngủ, nghỉ, thể dục đều độ. Mình lo con mình không có tiền để học đại học sau này thì mình sẽ biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý cho những gì cần và không cần thiết.
Lo lắng tiêu cực là những lo lắng mông lung, không rõ ràng, không có cơ sở. Ví dụ như mình lo kinh tế xấu đi, mình sẽ bị mất việc, thị trường xấu đi chứng khoán, nhà đất của mình mất giá. Những lo lắng này không giúp mình tốt hơn mà ngược lại nó hủy hoại cuộc sống của mình vì những thứ đó mình không thể kiểm soát, không thể kiểm soát thì dù có lo hay không lo nó cũng sẽ như vậy, vậy thì mắc gì phải lo để tự chuốc khổ vào thân.
Lo lắng là một phần không thể thiếu trong cuộc đời một con người bình thường. Tuy nhiên, mình cần phải hiểu biết về nó, nhận thức được nó và nên biết cách kiểm soát nó trước khi để nó kiểm soát cuộc đời mình.
Để kiểm soát, giải quyết lo lắng, theo tôi, qua quá trình học, đọc và trải nghiệm bản thân, mình cần làm các bước:
Viết ra thật chi tiết những cái mình đang lo lắng, sau đó tự trả lời những câu hỏi sau:
Nếu mình có làm gì đi nữa thì nó cũng sẽ xảy ra? hay mình có thể kiểm soát được nó ? Nếu mình không thể kiểm soát được nó thì loại bỏ nó ra khỏi danh sách lo lắng. Ví dụ: bạn không thể kiểm soát được sự đánh giá của thiên hạ về bạn; bạn không kiểm soát được sanh, lão, bệnh, tử.
Nếu mình có thể kiểm soát được nó (tức không làm gì thì nó sẽ xảy ra) thì khả năng bao nhiêu phần trăm việc đó sẽ xảy ra? Bạn có biết những ai đã từng lo lắng giống bạn và những cái họ lo lắng cũng đã thật sự xảy ra?
Nếu nó xảy ra thì ‘’hậu quả xấu nhất nó gây ra cho bạn là gì’’, về mặt vật chất lẫn tinh thần?
‘’Hiện tại, bây giờ, hôm nay, bạn có thể làm gì để ngăn chặn cho nó không xảy ra’’, hoặc nếu nó có xảy ra đi nữa thì thiệt hại cũng được giảm một phần ?
Sau đó, lên kế hoạch hành động mỗi ngày một chút để ngăn chặn không cho nó xảy ra hoặc để giảm hậu quả, nếu nó xảy ra.
Sau khi lên kế hoạch hành động, chỉ nhìn lại kế hoạch hành động mỗi ngày, đừng nhìn lại danh sách lo lắng đã viết ra, và chỉ tập trung vào hành động vì tập trung vào hành động hôm nay sẽ giải quyết được vấn đề của ngày mai.