Anh Lý Xuân Hải có chia sẻ một bài rất hay, trong đó có một câu anh ấy nói với ý thế này: ‘’sự kết thúc của kiến thức là sự bắt đầu của niềm tin’’.
Kiến thức: là những gì mình học được từ trường, từ đời, từ sách vở, từ những người dạy mình nói chung.
Niềm tin: khi chúng ta nói về niềm tin (faith) là chúng ta nói về một cái gì đó vượt xa hơn sự hiểu biết của con người, của khoa học biện chứng. Niềm tin của một người là sự tin vào một điều gì đó là có thật mặc dù không có đủ cơ sở kiến thức để hiểu. Nói cách khác, khi nói về niềm tin là chúng ta nói về khía cạnh tâm linh. VD: tin vào ma quỷ có thật, tin vào tháng 7 AL là tháng địa ngục mở cửa, tin vào Chúa, Phật có thật v.v. là dạng niềm tin này, và nó thuộc về tâm linh.
Tri thức (wisdom) là ”một dạng của cái hiểu và cái biết” mà nó xuất phát từ sự kết hợp của kiến thức, trải nghiệm và thông qua một quá trình chiêm nghiệm của bản thân. Kiến thức có thể như nhau qua thời gian. Ví dụ kiến thức về toán, về kinh tế thì vẫn vậy qua một thời gian. Tri thức của mỗi người thì mỗi khác và tri thức có nhiều cung bật khác nhau tùy khả năng nhận thức của mỗi người.
Vì vậy, chúng ta có thể thêm vào câu của anh Hài là ‘’sự kết thúc của tri thức là điểm bắt đầu của niềm tin’’, vì trước khi tin vào một việc gì thì không chỉ dựa vào kiến thức học được mà còn cần thông qua quá trình trải nghiệm và chiêm nghiệm lại những kiến thức, trải nghiệm đó để xem xét có nên hay không nên tin vào việc ấy.
Sự nguy hiểm của niềm tin
Nếu xét như trên thì tri thức của một người có độ dài và độ sâu. Điểm cuối của tri thức là sự bắt đầu của niềm tin thì cần phải xem điểm cuối của tri thức của một người nó dài hay ngắn, nó cạn hay nó sâu. Từ đó, nó quyết định ”khả năng đúng” của niềm tin ấy là bao nhiêu.
Niềm tin của một người không dựa trên thi thức của họ thì gọi là niềm tin mù quáng, tức nghe sao thì tin vậy. Niềm tin của một người có tri thức thì là niềm tin đó có cơ sở, cơ sở của kiến thức, của trải nghiệm và chiêm nghiệm. Vấn đề ở đây là tri thức của một người đó dài bao nhiêu, sâu bao nhiêu. VD: thành viên của các tổ chức khủng bố dựa vào nguyên lý này để chiêu mộ lính. Lính khủng bố phải được chọn lọc từ nhỏ, không cho học, không cho có điều kiện để có tri thức và từ đó lính khủng bố chỉ được giáo huấn đúng một điều rằng ‘’giết người là thay chúa hành đạo, sau khi chết sẽ được lên thiên đàng và có gái đẹp, cung vàng điện ngọc’’. Vì không có tri thức, hay nói cách khác tri thức quá ngắn, quá cạn nên điểm dừng của tri thức của nhóm người này rất gần, rất ngắn (too short), và vì thế niềm tin (khi bị nhồi nhét tư tưởng đó hàng ngày) vào việc giết người là tốt thì cũng dễ hiểu.
Kết luận: điểm dừng của tri thức của một người chỗ nào rất là quan trọng vì nó là sự bắt đầu của niềm tin. Niềm tin sai lệch, niềm tin vào cái xấu thì rất là nguy hại, nguy hại cho bản thân người đó và nguy hại cho cả xã hội.
Các nhà khoa học không bao giờ tin vào chuyện không có cơ sờ, không có bằng chứng. Tuy nhiên vì quá nhiều điều huyền bí, quá nhiều thứ phức tạp vượt xa sự hiểu biết của con người nên nhiều nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu về tâm linh, môn đó gọi là môn khoa học tâm linh. Môn khoa học này nghiên cứu về tâm linh dựa trên cơ sở khoa học thực dụng, dựa trên bằng chứng thu thập được. Ví dụ: nghiên cứu về một cõi khác có tồn tại hay không sau khi con người chết thì nhóm khoa học này lấy tất cả bằng chứng hàng trăm trường hợp về ‘’trải nghiệm cận tử’’ để đưa ra kết luận rằng: ‘’sau khi con người đã chết lâm sàn, khả năng thần thức, tâm thức của họ còn tồn tại ở một dạng năng lượng khác, ở một chiều không gian khác là rất cao”.
Để đưa ra kết luận này họ cần nhiều năm nghiên cứu, tổng hợp dữ liệu từ nhiều bác sỹ, nhiều chuyên gia thần kinh học, não bộ học, tâm lý học và thần học + phỏng vấn thực tế những người trải nghiệm cận tử. Kết luận này có đúng hay không thì tùy từng người, nhưng ví dụ trên là một trong nhiều ví dụ về ”niềm tin có dựa trên cơ sở của tri thức ” là như vậy.