Tài xế của tôi chia sẻ chuyện gia đình rằng bà già vợ bị bệnh tiểu đường biến chứng nặng, chắc khó mà qua được năm nay. Các con cháu thì chia nhau ra về làm nghĩa vụ thăm nuôi ở bệnh viện, trách móc so sánh nhau đủ điều trong khi bà mẹ thì nói ”hãy cho mẹ chết đi”.
Chạnh lòng tôi nhớ chuyện gia đình mình. Đưa cha mẹ lên Sài Gòn cũng vì muốn cha mẹ gần con cháu, có điều kiện chăm nom khi ốm đau. Nghĩ lại mình càng bất hiếu. Đưa cha mẹ lên đây là lấy đi một phần lớn cuộc sống vốn rất vui và ý nghĩa của cha mẹ dưới quê, có đồng đạo tâm sự sớm hôm, có việc từ thiện để làm hàng ngày. Mấy năm lên sài gòn như bị giam lỏng, đồng đạo không có, việc để làm có ý nghĩa cũng không, chỉ biết dọn dẹp nhà cửa như ôsin và chờ ngày con cháu đến thăm mà có khi… nó còn không đến.
Cái tôi muốn là muốn cho chính bản thân mình chứ ”không phải là cái cha mẹ cần”. Vì thương con cháu nên cha mẹ thường làm theo ý muốn của con cháu, tức là sống vì con cháu. Ngược lại, cái con cháu muốn không phải vì cha mẹ mà nhiều phần là để con cháu thấy ít tội lỗi hơn. Gặp cha mẹ nhiều hơn để thấy mình có hiếu hơn. Cho tiền mua thuốc, đi bệnh viện để thấy mình có làm tròn nghĩa vụ. Cái cớ tôi thường nghe khi muốn cha mẹ lên thị thành sống gần mình là ”để dễ dàng chăm sóc”. Phải ”để dễ dàng chăm sóc”, để ”dễ dàng cho mình hơn”, ”để mình ít cực hơn khi chăm sóc cha mẹ”…Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày là vậy.
Cha mẹ già ở những năm tháng cuối đời ai cũng muốn có cuộc sống an vui, ý nghĩa, bình yên và thanh thản ra đi. Hiếu đạo là biết làm đúng theo ý nguyện của cha mẹ, làm sao để cha mẹ được vui lòng, cho cái cha mẹ cần, cần cho cuộc sống cuối đời của cha mẹ, ngay cả ý nguyện muốn chết khi biết không còn thể sống, chứ không phải là cái con cái muốn, trừ khi cái con cái muốn đáp ứng đúng nguyện vọng cuối đời của cha mẹ.
Nếu cha mẹ đau, rất đau, không thể qua khỏi, và biết rằng việc kéo dài sự tồn tại của thân xác đó là làm cho cha mẹ đau khổ thì như vậy có gọi là hiếu. Việc kéo dài sự sống đó để con cháu không thấy cắn rứt lương tâm trong khi làm cho cha mẹ đau khổ thân xác thêm cả trăm, cả ngàn lần thì như thế có gọi là hiếu đạo. Nếu một người muốn chết mà mình không cho phép họ chết, mình bắt họ phải bị giày vò thân xác thêm một thời gian nữa, như một loại hình tra tấn khủng khiếp nhất, như vậy thì có tội? Nếu như vậy là có tội thì con cái làm như vậy với cha mẹ là hiếu hay là có tội!
Bình thường thì không ai quan tâm cha mẹ cần gì trong cuộc sống. Cha mẹ buồn vui thế nào. Khi bệnh thì chia ca, chia trách nhiệm nhau ra để ở bệnh viện trực. Khi sanh tiền thì miếng cơm manh áo nào ai lo, lúc chết rồi mới cúng heo cúng gà …..để cha mẹ ăn, đốt áo giấy cho cha mẹ mặc, đốt nhà giấy cho cha mẹ ở. Khi còn sống thì đất đai bỏ hoang không ai canh tác, không ai dòm ngó, khi chết rồi thì hỏi số đỏ ở đâu.
Đứa con nó xa nhà lên Sài Gòn lo làm ăn kiếm tiền. Cả năm nó mới về quê, má nó hỏi ”sao lâu quá con mới về”. Nó nói ”tại nhà mình xa quá má ơi”. Má nó nói ”nhà mình trước giờ vẫn ở đây, con bỏ nhà đi xa… chứ nhà mình nào có xa…”.
Chữ hiếu thời nay thật đáng buồn, liệu rằng sau này chữ hiếu càng buồn hơn…