Con đường từ nhà đến trường tôi phải đi qua một đoạn khoảng 1km đường đất rồi mới đến đoạn đường có lát đá. Sau đó, phải đạp xe đạp khoảng 20 phút nữa mới đến trường. Mùa khô thì không đến nỗi. Có chỗ thì dắt chiếc xe đạp qua được, có chỗ phải vác xe lên vai. Nhưng mùa mưa thì ‘cực hơn chữ cực’. Một tay phải vịn xe đạp lên vai, một tay bám vào hàng rào mà lần đi từng bước. Té rớt xuống sông ướt hết quần áo, cặp vở là chuyện thường ngày trong mùa mưa.
Sau những chuyến đi thiện nguyện miền Tây, tôi cứ nghĩ những con đường như vậy không còn nhiều. Nhưng sau chuyến đi lên Kontum vừa rồi làm tôi buồn khó tả. Tưởng như câu chuyện gian nan gần 30 năm trước của tôi không còn ở thời đại này. Nhưng sự thật thì: hiện tại, thời đại này vẫn còn nhiều hoàn cảnh còn gian nan hơn nhiều lần. Trước mặt tôi, các em đứng xếp hàng để nhận tiền hỗ trợ. Những đôi dép có nhiều ‘style’ khác nhau làm tôi hồi tưởng về bản thân mình. Tôi thấy tôi hiện diện lại trong những gương mặt đen đúa khờ khạo ấy. Cuối buổi phát học bổng, thầy hiệu phó đang phát biểu cảm ơn, bỗng dưng mắt thầy rưng rưng, giọng chậm lại: ‘…nhân đây cũng xin các anh và quỹ Tô Ni xem xét nếu được thì cho các em thêm đôi giày “đi họt”. Các em đi bộ mười mấy cây số qua rừng rẫy mà không có đôi giày, nhìn rất đau lòng….’ Khi hỏi thêm phòng giáo dục huyện Kon Plông thì các anh nói huyện có khoảng 5.000 học sinh. Nếu nói cần giày đến trường thì ‘chắc khoảng một nửa con số này là cần giày đi học’. Trong đầu tôi nghĩ: nếu một nửa (2.500 em) cần giày đi học thì bao nhiêu em cần quần áo, bao nhiêu em cần sách vở. Càng suy nghĩ, càng thấy bức rức, cái cảm giác đau đau khó tả.

Trong khả năng cho phép, chúng tôi, Quỹ từ thiện Be Better Foundation, một mình không thể cho giày cho tất cả các em đang cần giày đến trường. Vì thế, cần thêm nhiều tấm lòng bác ái từ nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân để phụ giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện này.